Lập và giết Trác Nham Minh Lý Nhân Đạt

Lý Nhân Đạt muốn tự lập, song lo sợ mọi người không phục. Ông biết nhà sư Trác Nham Minh ở chùa Tuyết Phong được mọi người xem trọng, bèn nói "Vị sư này mắt có đồng tử lớn, tay dài quá đầu gối, đúng là chân Thiên tử." Ngày Kỉ Hợi (3) tháng 3 năm Ất Tị (17 tháng 4 năm 945), Lý Nhân Đạt lập Trác Nham Minh làm hoàng đế, bỏ áo sư để mang áo bào, song vẫn dùng niên hiệu của Hậu Tấn và sai sứ phụng biểu xưng phiên với Hậu Tấn.[1]

Vương Diên Chính biết tin bèn cho tàn sát gia đình của Hoàng Nhân Phúng, lệnh cho Thống quân sứ Trương Hán Chân (張漢真) đem 5000 thủy quân, cùng với binh sĩ Chương châu[c 5] và Tuyền châu[c 6] thảo phạt đám Trác Nham Minh. Trương Hán Chân dến thành Phúc châu, tấn công cửa đông của thành, Hoàng Nhân Phúng biết gia đình bị giết thì mở cổng lực chiến, đại phá quân Trương Hán Chân, bắt rồi chém Trương Hán Chân.[1]

Lý Nhân Đạt tự phong là phán Lục quân thập nhị vệ sự, cho Hoàng Nhân Phúng giữ cửa tây và Trần Kế Tuân giữ cửa bắc. Hoàng Nhân Phúng sau đó than khóc với Trần Kế Tuân rằng:[1]

Làm người phải có trung, tín, nhân, nghĩa. Tôi từng có công với Phú Sa [tức Vương Diên Chính], song lại làm phản, thế là phi trung. Người ta đem tụng tử giao phó cho tôi song tôi lại cùng người khác giết đi, thế là phi tín. Vừa rồi chiến với binh sĩ Kiến châu, những người bị giết đều là cố nhân đồng hương, thế là phi nhân. Bỏ thê tử, để như cá thịt, thế là phi nghĩa. Thân này mười chìm chín nổi, chết vẫn còn thẹn.

Trần Kế Tuân cảnh báo Hoàng Nhân Phúng quên việc này để không chuốc lấy họa. Tuy nhiên, Lý Nhân Đạt biết chuyện, bèn sai người vu cáo Hoàng Nhân Phúng và Trần Kế Tuân mưu phản rồi đem giết đi. Từ đó, binh quyền đều về tay Lý Nhân Đạt. Ngày Đinh Tị (22) tháng 5 (4 tháng 7), Lý Nhân Đạt đại duyệt chiến sĩ, đề nghị Trác Nham Minh quan sát. Lý Nhân Đạt ngầm sai quân sĩ bất ngờ lên thềm thích giết Trác Nham Minh. Theo âm mưu sắp đặt, Lý Nhân Đạt giả bộ kinh hãi, chật vật chạy trốn, quân sĩ cùng bắt lấy Lý Nhân Đạt, đưa lên ngồi chỗ của Trác Nham Minh. Lý Nhân Đạt tự xưng Uy Vũ[c 7] lưu hậu, dùng niên hiệu Bảo Đại của Nam Đường, phụng biểu xưng phiên với Nam Đường, đồng thời sai sứ vào cống với Hậu Tấn. Hoàng đế Nam Đường là Lý Cảnh cho Lý Nhân Đạt làm Uy Vũ tiết độ sứ, Đồng bình chương sự, ban danh Hoằng Nghĩa, đưa vào thuộc tịch (thuộc hoàng tộc Nam Đường). Lý Hoằng Nghĩa cũng sai sứ thiết lập quan hệ hữu nghị với Ngô Việt.[1]